Lượt xem: 715

Sóc Trăng nỗ lực tạo môi trường du lịch thân thiện, văn minh

Sóc Trăng có hệ thống di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, chùa chiền phong phú. Toàn tỉnh có hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Đây là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh với những ngôi chùa nổi tiếng, độc đáo như: Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, Mahatup), chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự), chùa Khléang, chùa Chén Kiểu, chùa La Hán, chùa Bốn Mặt, chùa Quan Âm linh ứng,… . Ngoài ra, còn có đền thờ, đình, miếu, nhà thờ, thánh thất,… Thế nhưng một điều đáng báo động là tình trạng người ăn xin xuất hiện nhiều ở thành phố Sóc trăng, vào nhà hàng, quán cà phê tại các điểm du lịch, trước cổng chùa xin tiền du khách, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến văn minh đô thị mà còn gây tâm lý khó chịu cho du khách tham quan.

    Qua ghi nhận, thời gian gần đây tình trạng này tiếp tục tái diễn, nhất là những người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách mua hàng; sử dụng loa với âm lượng lớn hát kết hợp bán hàng tại các điểm công cộng, điểm du lịch, tuyến đường kinh doanh ăn uống… Đa phần các đối tượng này lang thang, xin ăn và bán hàng rong thường xuyên di chuyển từ điểm chùa này đến điểm chùa khác, khi thấy lực lượng chức năng đến thì tìm cách tránh né nên rất khó khăn cho việc phát hiện, xử lý, gây mất an ninh trật tự, phản cảm, làm phiền khách du lịch, nhất là điểm chùa Dơi (thành phố Sóc Trăng) và chùa chén Kiểu (huyện Mỹ Xuyên).


Chùa Chén kiểu (Crô lon) di tích lịch sử văn hóa. Nguồn soctrang online
 
    Đồng chí Lê Hoàng Điện - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xuất hiện nhiều đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em xin ăn, bán hàng rong tại các điểm tham quan du lịch. Các đối tượng này lợi dụng khách du lịch, vừa bán vừa xin hoặc buôn bán hàng rong như bánh, kẹo, nhang, vé số,.. gây phiền hà cho du khách. Qua nắm tình hình, một số đối tượng ăn xin là người khuyết tật, trẻ em thuộc các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện trong tỉnh. Một số đối tượng ăn xin trá hình bằng việc bán hàng rong từ tỉnh khác tới Sóc Trăng nên rất khó khăn cho việc quản lý, phân loại.

    Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng này, cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm du lịch, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã chấn chỉnh thông qua những hoạt động như: Phối hợp Công an tỉnh, UBND thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên xây dựng kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên. Đối với những đối tượng lang thang, ăn xin, khuyết tật khi tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sóc Trăng và Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh được phân loại để giải quyết theo quy định.

    Đối với nhóm đối tượng cư trú trong tỉnh không còn người thân hoặc đối tượng không xác định được thân nhân là trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người già neo đơn không nơi nương tựa, bao gồm những người không có nghề nghiệp lang thang kiếm sống,... được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính Phủ.

    Đối với nhóm đối tượng cư trú trong tỉnh (còn người thân, người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng) là người khuyết tật, người cao tuổi, người không có nghề nghiệp lang thang kiếm sống, được thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú của đối tượng, vận động gia đình tiếp nhận trở về địa phương và cam kết giáo dục, quản lý; đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ vốn, việc làm phù hợp để đối tượng ổn định cuộc sống. Đối với nhóm đối tượng lang thang kiếm sống có cư trú ngoài tỉnh sẽ được thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú của đối tượng đến tiếp nhận trở về địa phương sinh sống. Riêng nhóm đối tượng tâm thần kích động, nhóm đối tượng vi phạm pháp luật và nhóm đối tượng lang thang sử dụng ma túy được tập trung vào Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở Cai nghiện ma túy hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị và giáo dục.

    Cũng theo đồng chí Lê Hoàng Điện - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề ra một số giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm các đối tượng lang thang, xin ăn tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới. Trong đó, phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể, các sở, ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng này; đẩy mạnh thực hiện đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn; lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Ngoài ra, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội.

    Bên cạnh đó, quản lý, phân loại, chuyển đối tượng về các cơ sở bảo trợ xã hội, đến giải quyết bảo lãnh cho các đối tượng, với kinh phí sử dụng từ nguồn đảm bảo xã hội cân đối hàng năm cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngân sách cấp huyện, xã, từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan và huy động sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước. Tổ chức tiếp nhận đối tượng do các địa phương tập trung bàn giao về điểm tập trung của tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan lập hồ sơ phân loại và xử lý theo quy định; kịp thời phát hiện, điều tra và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi giục và thuê trẻ em, người khuyết tật hoặc người già đi ăn xin để hưởng lợi.

    Có thể nói, giải quyết dứt điểm tình trạng lang thang, xin ăn tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi phải có sự liên kết phối hợp thường xuyên của các ngành, địa phương nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn minh tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi đến tham quan du lịch tại tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Thiên Tường 


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 103
  • Hôm nay: 7868
  • Trong tuần: 78,575
  • Tất cả: 11,801,895